Trang chủ   Giới thiệu     Không gian cafe     Thị trường     Sự kiện     Văn hóa     Sức khỏe     Ý tưởng     Nghiên cứu     Giải trí  
> Văn hóa cà phê > Cafe chiều thứ bảy
Café hòa tan…
Tôi có thói quen uống cà phê rất khuya.
Tôi có thói quen uống cà phê rất khuya. Lúc ấy Nguyên bận. Ngủ. Đề án. Công trình hay bất cứ một kế hoạch cụ thể nào đó. Tôi không tiện làm phiền. Thế rồi quen mùi cà phê hòa tan. Uống nhiều quá đâm ghiền, chứ không hẳn là một thứ đam mê nào đó cụ thể. Tôi cần tỉnh táo để thoát khỏi im lặng, thoát khỏi thinh không, và căn phòng trống hoác. Nguyên thường hỏi tôi thích gì? Thường là thế. Tôi trả lời anh là gì cũng được. Và những câu chuyện cũng nhàn nhạt theo. Gì cũng được. Cho một cuộc tình.

Đại loại là Nguyên chỉ có thể đi uống cà phê mỗi tối thứ bảy. Cuối tuần. Và sau đó là bặt đi trong lãng quên một cách lịch thiệp. Dần dà tôi quen với những thức uống công nghiệp pha chế sẵn. Ngày nào cũng từng ấy thời gian biểu. Ngày đêm như nhau. Đôi khi tôi còn ý thức một cách lạ lùng là nếu đêm mãi có khi hay hơn. Đêm. Tôi nốc cà phê không ý thức. Vuốt lại mái tóc nhàu nhò và vùi đầu vào máy tính. Nhiều lúc chẳng viết được gì lại lần mò chơi những trò chơi dành cho con nít, thấy mình già mà còn ham vui. Riết tôi đâm ra mong ngóng những lúc không viết được để ngồi chơi game, lao vào những thói kiếm tiền hư hỏng trên mạng và những điểm số không bao giờ có thực. Như tình yêu của tôi đấy. Ba năm mà vẫn cứ như không.

Nguyên không sao hiểu được một đứa con gái lại có thể nốc cà phê tì tì như vậy, nhất là người con gái anh đã chọn để yêu. Và để làm một người vợ hiền. Đôi ba lần anh ngắt ngứa nhắc nhở, nhưng rồi đâu lại hoàn đấy. Vào quán thứ 7, tôi thản nhiên gọi.

-    Một cà phê…

Người phục vụ bàn tròn mắt. Nguyên hắng giọng rõ to.

-    Cà phê cho tôi. Còn cô ấy … cam vắt!

Tuần nào cũng hai món y nhau. Ở quán nào cũng lặp lai một kịch bản tương tự. Thế mà lại hay. Bỗng dưng hai đứa tôi được khen là khéo hiểu nhau đến lạ. Nhưng ít ai để ý thấy chúng tôi luôn đổi món, sau khi hóa đơn đã được tính và chắc chắn là không có ai làm phiền nữa. Im lặng. Đá tan nhão nhoét hai ly nước. Rồi về. Nguyên không bao giờ uống cà phê, nước cam cũng không. Nhưng hai thức uống đã thành thói quen, không gọi thế thì chẳng biết gọi gì. Gọi ra lại không uống. Để cái lạnh trùm lên nhau rồi mới bàng hoàng. “Về em!”

Gió thổi bay tà áo tôi về phía trước. Nguyên hỏi tôi sao gọi cà phê mà không uống. Tôi bảo “Em sợ...” “Sợ gì?” “ Sợ mất ngủ” Không biết Nguyên nghĩ gì. Chỉ thấy tấm lưng anh động đậy. Tôi không nói hết Nguyên nghe về ý nghĩ kì quặc của mình. Nói ra, Nguyên cũng chẳng bao giờ hiểu.

Về đến nhà tôi lại nốc liền tù tì hai cốc cà phê đặc quánh.
Về đến nhà tôi lại nốc liền tù tì hai cốc cà phê đặc quánh. Không ý thức. Những kí ức hẹn hò của cả buổi tối cũng trở thành vô thức, và mất đi rất nhanh.

Có những đêm ngủ quên trên bàn phím, không kịp đánh răng buổi đêm. Thường là thế! Tôi phát hiện ra rằng cà phê hòa tan có vị chua. Và dường như tất cả mọi thứ thực phẩm chế biến sẵn đều có mùi chua chua. Cái thứ mùi vị quái dị, nhưng rất dai dẳng. Thông thường thì ít khi tôi để ý. Nhưng khi những tối nghiễn ngẫm cuộc đời bên ly cà phê pha sẵn dài thêm, thì những thứ hương vị khác của cà phê biến mất. Nó chỉ còn lại trong kí ức của tôi một cảm giác rin rít nặng trịch nơi sống lưỡi. Nó chua chua, hơi chua thôi chứ không hẳn là chua. Cái cảm giác nhẹ bẫng khó nhớ, nhưng lại ám ảnh. Để rồi tôi quên mất sau cữ vệ sinh răng miệng và ăn uống buổi sáng. Đêm tới lại nốc cà phê ồ ạt. “Nó” ùa về, nhồn nhột, ngàn ngạt khắp miệng, bò dần xuống thực quản, tràn vào dạ dày, xâm chiếm bất kì nơi nào có sự liên hệ với dây thần kinh cảm giác. Đầu óc tôi cũng váng vất chua.

Mẹ hỏi tôi khi nào lấy chồng. Tôi cười bảo mẹ hỏi Nguyên đi. –Hỏi sao được mà hỏi. Thế có khác nào cho không con gái mình đi. –Ôi mẹ ơi. Con gái mẹ đem cho mà có người nhận là mừng lắm rồi. –Ăn với chả nói! Cho là cho thế nào được. –Cho chứ. Không để mẹ nuôi cả đời à? –Nuôi thì nuôi chứ chẳng cho. –Mẹ nuôi được nhưng con không ở vậy cả đời được. –Ừ! Ngày xưa mẹ cũng không đừng được. Đàn bà... quanh đi quẩn lại ai cũng như ai.... Rồi mẹ khóc. Tôi muốn ừ đại đi cho mẹ vui. Nhưng Nguyên không bao giờ hỏi “Em à! Làm vợ anh nghe?” Tôi thức đêm thức ngày chờ mà chẳng thấy. Cà phê uống vào chỉ thấy mụ người đi. Nguyên à! Cưới em làm vợ đi! Để mẹ thôi buồn. Và cà phê cũng không còn chua....

Nhiều người nói Nguyên là kẻ thức thời. Tôi tin là vậy. Nhưng anh có nhiều thứ không bao giờ bình thường mà chỉ có những ai gắn bó với anh mới hiểu. Anh nhiều tiền. Nhà đẹp. Xe sang. Tôi cũng xinh. Nhưng anh sợ phải san sẻ với tôi nhiều thứ đến mức chẳng bao giờ anh ngỏ lời đưa tôi về chung dưới một mái nhà. Cái gì của anh thì nó là của anh. Nguyên tắc là vậy. Bất di bất dịch! Kể cả tình yêu của anh, dù chỉ để làm cảnh chơi thôi, nhưng cũng không bao giờ được phép qua tay kẻ khác. Anh không chiếm hữu, không ghen tuông, thậm chí, không bó buộc tôi bởi bất kì điều gì, nhưng cuộc sống của tôi nằm trong một vòng tròn do anh kiểm soát. Mọi con đường đều dẫm đầy dấu chân. Nhưng không ai được phép bước lên những chỗ mà anh vừa đánh dấu. Anh khoanh tròn rào giậu tôi kĩ đến mức chính tôi cũng đinh ninh rằng mình không có bất cứ quyền hạn nào để bước ra khỏi bức tường bao bọc đó nữa. Tôi uống cà phê mỗi đêm, thức dậy lúc sáu rưỡi sáng, chiều thứ bảy đi uống cà phê với Nguyên. Cuộc sống là một vòng tròn. Một vòng tròn bức bách ngu ngốc chẳng có lối ra.

Tôi thôi gọi cà phê những chiều thứ 7 đổi gió.
Tôi thôi gọi cà phê những chiều thứ 7 đổi gió. Vẻ thỏa mãn ánh lên trong mắt Nguyên. Nhưng anh vẫn ra chiều đăm chiêu hờ hững.

- Sao thế em?

- Như thế có lẽ tốt hơn...

- Thế thôi à?

Tôi không trả lời, thấy khoảng không giữa tôi và Nguyên đặc dần. Ở đó có thể bắc một cây cầu Ô Thước. Nhưng Nguyên vẫn lặng im. Cố gắng của tôi như những giọt cà phê lẫn vào bóng đêm. Một sự phủ nhận đáng sợ!

Mẹ thôi hỏi tôi khi nào sẽ có chồng. Sau một lần ra mắt, mẹ cứ lảng dần những chủ đề mà tôi đang muốn đề cập đến. Cuối cùng thì mẹ cũng thấy con gái mẹ ngoan hơn, dịu dàng hơn, y như ý muốn của Nguyên. Tôi thôi uống cà phê, kể cả ngoài quán và ở nhà mỗi tối, tóc để dài ra, và những bộ quần áo luộm thuộm được đóng kín trong một cái thùng carton cũ xì vứt lên gác xép. Nguyên đã dẫn tôi đi coi nhà và lựa nhẫn cưới. Mọi thứ coi như xong xuôi, theo ý Nguyên tất. Anh có vẻ hài lòng mỗi lần ghé qua một chỗ nào đó, hỏi qua loa, tôi gật gù. “Thế nào cũng được, anh à!” Nguyên thỏa mãn hết sức, hệt như một người đào vàng tìm ra một cục kim cương nặng kí ngay trong khối đất khổng lồ anh ta khổ nhọc mang vác qua một hành trình dài.

Tôi về nhà, định sửa soạn tinh tươm cho mẹ trước khi theo chồng, coi như đó là nghi lễ báo hiếu cuối cùng của đứa con gái không bao giờ ở nhà quá một tuần kể từ ngày nó được công nhận là công dân chính thức. Vẫn là sự im lặng sụt sùi như sắp khóc. –Mẹ à! Nguyên bận không về cùng con được... –Ừ!... –Mẹ à!... –Thế khi nào hai đứa bỏ nhau? Tôi sửng sốt, lí nhí cho âm thanh lọt qua kẽ răng cho vừa đủ nghe. –Tụi con sắp làm đám cưới... –Hử?... –Dạ! Đám cưới... –Ừ!.... Mẹ ngừng mũi kim, se sẽ nín thở nhìn tránh vào một khoảng tối. Tôi thấy nhột nhạt. Đột nhiên thèm cà phê kinh khủng, nhớ cái mùi chua rin rít cuống họng. Đến bao lâu sau cái đám cưới này tôi sẽ được phép uống cà phê? Bao nhiêu lâu nữa mẹ sẽ phá vỡ sự im lặng cầu may của tôi? Bao nhiêu lâu sau một cái đám cưới người ta có thể nói đến chuyện ly dị?

Nước gõ ngồn ngột trên mái tôn, thốc ào vào cửa kính.
Tôi nghĩ là không bao giờ. Nhưng Nguyên lại nghĩ là có thể sớm hơn bất kì một mốc thời giờ vớ vẩn nào đó. Nó đơn giản như việc người ta trí trá giả vờ bỏ qua một thói quen, để rồi quay trở lại ngay lập tức khi nào có dịp. Nguyên để lại tôi căn nhà, một tháng sau ngày cưới. Đêm đó mưa to. Nước gõ ngồn ngột trên mái tôn, thốc ào vào cửa kính. Tôi gọi cho Nguyên sau 12 giờ đêm, như mọi người đàn bà khác lo lắng và yêu thương chồng.

- Sao anh không về? Mưa quá nên em thấy lo...

- Em đừng lo nữa. Anh không về.

- Ngày mai...

- Ngày mai cũng không. Không có khi nào nữa.

- ….

- Em bình an nhé !

- ….

- Em tới quán ngồi. Đến lúc quán đóng cửa thì phải trả tiền và về… Ngôi nhà đó đứng tên em. Anh đi đây.

Mẹ đón tôi bình thản và chịu đựng. –Con có yêu nó không ? –Không biết mẹ ạ ! Nhưng con thấy khó thở thế nào ấy… –Không chết được đâu con ạ. Cố mà thở đi…. Mẹ lại im lặng. Ngôi nhà trở mình giữa đông nghe như một tiếng nấc. Mẹ thở dài, lom khom nấu nước. –Ăn gì không , mẹ nấu? –Thôi mẹ à ! Con phải về. –Về đâu nữa ? –Nhà cũ của con. Mẹ không thể nuôi con cả đời được…. Tôi lại cười an ủi. Cho tôi. Không, cho mẹ chứ ? Chắc gì mẹ cần ? Nhưng thể nào mẹ cũng sẽ tìm lại những câu hỏi “–Khi nào lấy chồng ?” Tôi chống chế thế nào đó cho qua. Nhưng mẹ cần quái gì những câu trả lời cũ mốc ấy ? Mẹ chỉ cần những sự thật cho cuộc sống của tôi….

Hải đưa tôi về nhà lần đầu. Mắt mẹ hấp háy sáng. Hai đứa đi đâu mẹ cũng trông chừng. Tôi đùa “Mẹ sợ anh bắt mất con gái đó !” Anh lễ phép hành lễ. “Thưa má ! Con đang tính xây một lâu đài. Rồi sau đó con sẽ quỳ lạy tổ tiên xin con gái má để rước về dinh. Công cha nghĩa mẹ biển trời, làm sao con dám qua chùa mà không vái lạy sư ?” Mẹ cười móm mém. Tôi giật mình ? Bao nhiêu lâu rồi tôi không thấy tóc xanh trên đầu mẹ nữa ?

Hải đưa tôi vào quán bất kì lúc nào tôi muốn. Hai ly cà phê hẳn hoi. Nhưng chỉ mỗi một quán quen. Và những điệu nhạc không bao giờ đổi nhịp. Tôi giả vờ hỏi anh về tòa lâu đài anh hứa với mẹ. Anh trầm ngâm như thật. –Anh đang lập kế hoạch. Chắc chắn anh sẽ…. Cà phê mang ra. –Anh pha cho em nhé? –.... –Ngọt hay đắng? –Thế nào cũng được anh ạ.... Và anh cũng thôi luôn ý định về một tòa lâu đài.

Chỉ tại mấy ly cà phê....

Ngôi nhà của tôi và Nguyên một thời giờ đóng cửa cài then. Thỉnh thoảng Hải chở tôi ngang qua ngập ngừng muốn ghé. –Mặt tiền hẳn hoi em ạ! Anh nghĩ.... –Mình về đi anh.... Hải lầm lì quay xe. Cũng những vòng quay như nhau nhưng chắc tại ngược đường nên tôi thấy chống chếnh. Hải đảo mắt theo những vòng tròn vô nghĩa. Anh đang ước lượng lại giá trị của ngôi nhà hay đong đếm mối tình vừa nhen được ba tháng mười ngày tám giờ năm phút hai mươi sáu giây?

Tôi lại thèm cà phê và vị chua chua xé toang lồng ngực.

Mẹ không còn chờ tôi về để chua xót hỏi chuyện những cái đám cưới, chưa hoặc không thể trở thành gia đình. Mái nhà rêu phong im lặng rùng mình dưới gió bấc. Tôi hỏi Hải có về thăm mẹ tôi không? Hỏi chỉ để có người mà hỏi vậy thôi chứ tôi biết Hải đã biến mất khỏi cuộc đời tôi cùng với tòa lâu đài còn chưa có bản vẽ thiết kế từ lâu lắm rồi. Anh khùng khục cười, khùng khục khạc nhổ khi tôi nói ý định trả lại ngôi nhà cho Nguyên, nếu tôi và anh lấy nhau. –Mẹ khỉ! Toàn những thằng khinh khỉnh hâm đời bỏ mẹ đi được. Tôi vụt chạy theo hướng đường ngược lại, đâm sầm vào một ai đó, nhang nhác gương mặt của Nguyên, của Hải. Gương mặt của ba tôi!

- Ba làm gì ở đây?

- Mẹ con nhắn ba về....

Và những ly cà phê chua chua cuống lưỡi mỗi đêm.....
Tôi nhìn sững vào di ảnh còn thơm mùi thuốc vẽ của mẹ. Bức ảnh Hải phác cho mẹ đem vẽ truyền thần thành ảnh thờ. Mẹ tôi không để lại bất kì hình ảnh nào của mình trong mọi cuộc đời, giữa cuộc đời. Tôi. Ba tôi. Thậm chí cuộc đời của mẹ cũng nhạt nhòa. Có chồng. Chồng bỏ. Cả đời không kiếm nổi ai đó thay vào để đưa ma cho mình, rốt cuộc lại vòng về ông chồng bội bạc, người đàn ông không bao giờ thuộc về mẹ, ngay cả trong những phút cuối cùng của cuộc đời.

Người đàn bà lạ kiêu hãnh chào tôi.

- Chào con. Dì là má hai của con.

Tôi lập cập muốn đổ quỵ. “Sao đây ? Ba về đưa tang mẹ hay về để chà đạp thêm lên nỗi đau của một người đà bà cả đời bị bỏ rơi, bỏ rơi cho đến lúc chết và sau khi chết ?” Ba đưa tay ra, như muốn đỡ tôi vào lòng. Có một cái gì đó rất lạ ở con người này mà mẹ tôi không dứt bỏ được? Tôi ư? Không vô lí như vậy được chứ? Một đứa con gái trầy trật đường tình duyên mà lại là mối dây ràng buộc kĩ càng đến vậy một mối duyên nợ oan khiên của một người đàn bà đẹp? Tôi nhìn mẹ. Mẹ cười, mắt xa xăm lạc vào khoảng giữa hai cha con. Gió thốc vào hai mí mắt tôi, khóc òa.

Không biết kiếp sau mẹ có gặp đứa con gái nào như tôi để suốt đời hỏi “Khi nào lấy chồng?” nữa không? Chắc không quá! Trời phật thương thì để bỏ. Mẹ mà hỏi thì tôi biết trả lời làm sao? Nói “Không” lại sợ mẹ buồn. Mà  bảo “Có” thì có sao đang?

Những người chồng.... như ba tôi....

Và những ly cà phê chua chua cuống lưỡi mỗi đêm.....

Bảo Chi

Ý kiến, cảm nhận, chia sẻ của bạn
Họ tên:*      Email :*
Cảm xúc của bạn
Bình thường Vui Khóc
Buồn Giận Bất ngờ
Nội dung:*
Văn hóa cà phê
Ý tưởng độc đáo
Cafe chiều thứ bảy
Cà phê và doanh nhân
Cà phê với người nổi tiếng
Truyện ngắn
Các tin mới :
Đón Tết (16/01/2009)
Nhé anh! (16/01/2009)
Lời tỏ tình của đá (09/01/2009)
Chiếc bánh của năm mới! (09/01/2009)
Cám ơn Thời gian (02/01/2009)
Các tin được quan tâm :
Cốc cafe không đường... (24/04/2008)
Sài Gòn thương nhớ cà phê (24/04/2008)
Cuộc sống và cà phê (24/04/2008)
Đen cho em và sữa cho anh (02/10/2007)
Cà phê đạo (24/04/2008)
 
NVR Communication
304/61 Dao Duy Anh, Phu Nhuan Dist, HCM City
Phone: (84-8) 844 7458 - Fax: (84-8) 997 3121
Hot line: (84) 903 690 262
Email:
ICP: 86/GP-TTĐT